Cảm nhận về bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy hay nhất (Bài văn mẫu 3)

Đã có trọn bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2022 các môn: vip.dethihsg247.com

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy hay nhất (Bài văn mẫu 3)

Tuổi thơ và quê hương luôn là những kỉ niệm cháy bỏng trong nỗi nhớ của nhà thơ Nguyễn Duy. Nỗi nhớ ấy ngày đêm da diết, vấn vương từng bước đi trong đường đời của nhà thơ người lính Nguyễn Duy. Thời thơ ấu, sớm mồ côi mẹ, Nguyễn Duy được bà ngoại hiền từ, nhân hậu nuôi nấng, thương yêu. Trong tâm hồn Nguyễn Duy, bà ngoại là hình ảnh gần gũi, thân thiết đến vô cùng. Đã có bao bài thơ Nguyễn Duy sáng tác khi đi xa người bà kính yêu đã trở thành những bài thơ đẹp nhất của hồn quê hương sâu lắng và mặn mà nỗi nhớ thương.

Có những bài thơ được Nguyễn Duy sáng tác để bộc lộ nỗi nhớ thương và biết ơn đối với người mẹ nơi quê xa, nhưng ở đó lại lâp lánh vẻ đẹp của hình ảnh người bà cao quý, tảo tần. Đối với Nguyễn Duy, bà là mẹ, là người đã cho cháu mình lòng yêu thương và cả sự hi sinh vô bờ bến. Bài thơ Đò Lèn đã trở thành một trong những bài thơ ngập tràn tình yêu thương đằm thắm như thế.

Có thể nói: Đò Lèn là một bài thơ hay, giản dị và dễ hiểu. Một bài thơ được khơi nguồn từ tình yêu quê hương và lòng biết ơn sâu sắc với người bà nặng công nuôi nấng, vỗ về thương yêu như bài Đò Lèn, thực sự đã đem đến cho người đọc một tình cảm nhân bản sâu sắc. Đò Lèn với bao câu thơ xúc động đó đã gợi cho người đọc nhiều xúc cảm về những kỉ niệm tuổi thơ của Nguyễn Duy bên người bà thân thiết, giữa quê hương êm đềm một thời quá khứ.

Vì thế, những cái tên địa danh thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, quê hương của Nguyễn Duy đã được nhà thơ nhắc đến thật nhiều như bao tình trìu mến dành cho mỗi một nơi: nào là cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng, Đồng Quan, Ba Trại… Tất cả hiện lên để gắn với kỉ niệm ấu thơ day dứt lòng người. Và tất cả đã lùi vào quá khứ, nhưng đó lại là một quá khứ đẹp đến vô cùng. Cái “thuở nhỏ của “tôi” được Nguyễn Duy nhớ kỹ đến từng cử chỉ của con trẻ nghịch ngợm: đi câu cá ở cống Na, níu váy bà vì ngơ ngác giữa chợ Bình Lâm: sợ lạc mất người bà thân thiết hay cái gì cũng lạ lẫm đối với chú bé sớm thiếu thốn tình thương vỗ về? Rồi cùng bạn nhỏ “tôi” leo lên “bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật”. Rồi cả cái ưò “ăn trộm nhãn chùa Trần” cũng được “cái tôi” Nguyễn Duy nhớ đến trong kí ức long lanh giọt nước mắt ngậm ngùi.

Rồi “đền Cây Thị”, “đền Sòng” với phảng phất “mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm” cũng trở thành kỉ niệm sâu nặng ân tình trong trái tim yêu thương của người con đi xa quê lâu lắm chưa trở về. Thế mà, những bước “chân đất đi đêm xem lễ”, “điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng” và cả sắc màu của đời sống tâm linh lại bỗng trở thành rõ nét, rõ hình trong nỗi nhớ của Nguyễn Duy. Nét và hình ấy làm xao xuyến tất cả những ai đã đi qua thời thơ bé đáng yêu, bây giờ nhớ lại chợt thấy lòng se thắt tiếc nhớ.

Nào đâu chỉ có tiếc nhớ mà thôi, vì còn có cả lời xót xa, ân hận cho một sự dại khờ. Bởi vì:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

Người bà của “tôi” vất vả, nhọc nhằn như thế đó. Bước chân “thập thững” qua suốt những nơi ở quê “tôi” nơi Hà Trung, rồi đến cả những nơi thuộc giáp ranh Ninh Bình cũng có bước “bà đi”. Hình tượng người bà vì thế đã có sức ám ảnh, cuốn hút nhà thơ và cả những ai từng có một người bà, người mẹ, người chị lam lũ suốt bốn mùa như thế. Bà của “tôi” là Tiên, là Phật, là Thánh, Thần. Dù “tôi” có ngây thơ sống giữa hai bờ hư thực, dù “cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng” thì “bà tôi” vẫn cứ mãi là hình ảnh thánh thiện đến trong trẻo ở trong “tôi”. “Cái năm đói” trong quá khứ có ý nghĩa gì đâu! Vì với tôi, đứa cháu bé bỏng hồi nào của bà, nay dù có lớn khôn thì hình ảnh trong veo ấy vẫn còn đó quyện lẫn mùi “thơm huệ trắng, hương trầm”. Bước chân vững vàng hôm nay của Nguyễn Duy qua mọi nẻo đường cuộc sống luôn chập chờn êm đềm quá khứ thần tiên về “bà tôi”.

Rồi nhọc nhằn đâu đã hết đối vđi “bà” của “tôi”. Chiến tranh tàn khốc cơ cực càng nhiều không kể xiết:

Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.

Bà của “tôi” vẫn sừng sững một ngoan cường giữa cuộc đời trần trụi vẫn tảo tần, vẫn chịu đựng tất cả để tồn tại, để thách thức mọi khổ đau. “ga Lèn ” quê hương yêu dấu vẫn đậm bóng liêu xiêu, vẫn in “bước cao thấp” của “bà tôi”. Bà vẫn chờ đợi tin tức đứa cháu yêu thương của bà. Cháu sẽ về với bà. Bà ơi, dù nhà, đền Sòng, chùa chiền và cả Thánh, Phật có bay đi hết, nhưng vẫn còn đây một bà Tiên đức độ giữa cuộc đời của cháu phải không? Bà Tiên ấy đã tiếp thêm sức mạnh đến vô tận cho cuộc đời một Nguyễn Duy luôn vươn tới mãi. Dù đó là một Nguyễn Duy:

Khi tôi biết thương bà tôi đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi

Bài thơ Đò Lèn kết thúc bằng nỗi nhớ, sự ân hận muộn màng của cháu là “tôi” dành cho “bà”. Nhưng tất cả lại là những câu thơ chan chứa yêu thương và sự ấm áp nhất. Bởi ai đã hiểu hết sự hi sinh của những người bà, người mẹ như Nguyễn Duy thì người đó chính là người trưởng thành nhất và người đó luôn có trái tim nhân ái, nồng ấm nhất giữa trần gian phàm tục này.

Xin chào các bạn và quý Thầy Cô. Hãy nhập từ khóa mình muốn vào ô tìm kiếm trên Website để tìm kiếm mọi thứ hoặc trên google các bạn hãy nhập từ khóa + dethihsg247.com để tìm kiếm các bài viết của chúng tôi nhé.
  • Hiện tại chúng tôi có hơn 25 nghìn bài văn mẫu các thể loại.
  • Kho tài liệu, đề thi học sinh giỏi các lớp vô cùng phong phú.
  • Mỗi ngày cập nhật hơn 100 đề thi chất lượng từ các website bán tài liệu lớn.

Tải đề thi VIP với giá siêu rẻ tại Vip.Dethihsg247.Com